Văn hoá đọc trong thời kỷ nguyên số
Đời sống

Văn hoá đọc trong thời kỷ nguyên số

Dù cho sự xuất hiện của cuộc cách mạng 4.0 đã mang đến những thách thức văn hóa đọc nhưng nó cũng đem lại khá nhiều cơ hội phát triển. Mới đây, nhờ mạng xã hội các nội dung liên quan đến sách được sáng tạo và nhận được hưởng ứng rộng rãi từ cộng đồng người yêu sách.

Từ lâu, sách đã là thứ không thể thiếu trong cuộc sống con người, kể cả lúc hình thành đất nước, xây dựng văn minh, chiến tranh hay hoà bình thì sách vẫn luôn hiện hữu. Kiến thức là món quà quý giá nhất mà con người tự trang bị cho mình thông qua việc đọc sách. Nhiều người vẫn cổ súy cho rằng đọc sách chỉ là những điều viển vông với các lý thuyết sáo rỗng. Nhưng có một sự thực rằng, kiến thức của nhân loại là vô tận, nó không chỉ tồn tại ở duy nhất một khía cạnh mà dường như bao phủ toàn bộ đời sống. Không phải cứ ngồi trên ghế nhà trường mới có thể đọc sách, con người ta tìm kiếm ở sách về một cách sống đúng nghĩa, về những lý tưởng cao đẹp và thật vậy, cuộc sống có hạnh phúc và an yên chỉ khi lòng mình thanh tịnh nhất.

Văn hoá đọc trong thời kỷ nguyên số

Làm cách nào để phát triển văn hoá đọc?

Đáng buồn thay, khi thế giới ngày càng phát triển, khoa học công nghệ hiện đại, internet ra đời thì những nét đẹp văn hóa như việc đọc sách dần dần chìm trong lãng quên. Không phủ nhận những lợi ích tuyệt vời mà công nghệ mang lại, tuy nhiên có những điều đã là văn hoá, là đặc trưng thì chẳng thể thay đổi được. Quả thực, sách điện tử có nhiều tiện ích nhưng nếu sở hữu một cuốn sách giấy trong tay tựa như đang sở hữu một món tài sản vô giá. Từng cuốn sách chứa đựng thông tin hữu ích, lưu giữ lại những kỉ niệm vui buồn của chủ sở hữu qua từng khoảnh khắc, khoảng thời gian trong đời. Có thể nói, cảm giác được chạm vào từng trang sách, thoang thoảng mùi thơm của giấy, con người ta như tìm thấy được sự bình yên trong thế giới mà sách mang lại.

Việc lưu giữ, phát triển văn hoá đọc là vấn đề cũng như thách thức đối với nhiều quốc gia, các nhà văn hoá, giáo dục… và làm cách nào để việc đọc sách thích ứng với thời đại kỷ nguyên số là điều vô cùng quan trọng.

Mới đây, trào lưu khoe cuốn sách đầu tiên đọc trong năm 2023 trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Instagram, Goodreads... đã nhận được hưởng ứng rộng rãi từ cộng đồng yêu sách. Hiển nhiên đây không phải lần đầu tiên!

Văn hoá đọc trong thời kỷ nguyên số

Trào lưu chia sẻ cuốn sách bản thân đã đọc trên mạng xã hội. Ảnh: The Guardian.

Nhờ sự phát triển của mạng xã hội, ngày càng nhiều các nội dung liên quan đến sách được sáng tạo và nhận hưởng ứng rộng rãi bởi cộng đồng người yêu sách. Trước đó, một số bạn trẻ Việt Nam cũng tham gia những thử thách như 2022 Book Rewind hay Reading Challenge 2023... Mới đây, đoạn video chỉ dài khoảng 6 giây của Reese Book Club – một CLB dành cho những người yêu đọc sách, đã đạt 3,6 triệu lượt xem sau 1 tuần đăng tải. Thậm chí, nhiều người có ảnh hưởng khác cũng tham gia và nhân rộng việc này thành một trào lưu trong cộng đồng người yêu sách.

thể nói, không chỉ mang ý nghĩa kết nối, những trào lưu trên mạng xã hội đang góp phần tạo cơ hội cho độc giả tiếp cận với đa dạng các đầu sách. Họ có thể đưa ra lựa chọn sách thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Tuy nhiên, các hoạt động này đa phần đang được tạo ra bởi các influencer và các câu lạc bộ sách nước ngoài, tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Trước những đổi thay của xã hội cùng sự nỗ lực của những con người yêu từng con chữ, trang sách, hi vọng rằng văn hóa đọc sẽ dần được khôi phục. Và để những điều này được hiện thực hóa thì mỗi người trẻ, mỗi gia đình hãy bắt đầu thói quen tự xây dựng tủ sách cho riêng mình, coi đọc sách là “thức uống” ngọt ngào nhất dành cho tâm hồn.

Hoa Phan

Bình luận