Thịt nhân tạo: Tương lai mới cho ngành thực phẩm toàn cầu?
Tin Quốc Tế

Thịt nhân tạo: Tương lai mới cho ngành thực phẩm toàn cầu?

Thịt từ phòng thí nghiệm hay thịt nuôi cấy (nhân tạo) là khái niệm để chỉ việc sản xuất thịt mà không cần phải giết mổ động vật. Thay vào đó, các chuyên gia sẽ sử dụng sinh thiết kỹ thuật tế bào và phân tử. Mặc dù giàu tiềm năng nhưng liệu đây có thật sự là giải pháp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành công nghiệp?

Thịt nhân tạo: Tương lai mới cho ngành thực phẩm toàn cầu?

Thịt nhân tạo đang cho thấy những tiềm năng hữu hiệu trong việc thay thế thịt truyền thống (Nguồn: National Geographic)

Thịt nuôi cấy nhân tạo là gì?

Bước đầu tiên trong sản xuất thịt nuôi cấy là thu thập lượng nhỏ tế bào từ thịt động vật gốc. Thông thường là sinh thiết từ vật sống, vừa chết hoặc chiết xuất tế bào từ trứng đã được thụ tinh. Qua quá trình nuôi cấy và kích thích tăng trưởng trong môi trường thích hợp, các tế bào này sẽ đạt đủ kích thước và có thể sử dụng không khác gì thịt thông thường. Mục tiêu của công nghệ này nhằm giảm cung cấp một nguồn thịt sạch và bền vững, hạn chế tác động không mong muốn của ngành chăn nuôi đến môi trường và hệ sinh thái, theo Tạp chí Thiên nhiên (Nature Journal).

Về giá trị dinh dưỡng, ông David Kaplan - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp tế bào của Đại học Tufts (thành phố Somerville, tiểu bang Massachusetts) cho biết, vì vẫn có nguồn gốc từ tế bào từ động vật nên thịt nuôi cấy sẽ cung cấp đủ nguồn năng lượng giúp cơ thể duy trì hoạt động và phát triển. Bà Claire Bomkamp - Chuyên gia hàng đầu về thịt và hải sản nuôi trồng tại Viện Thực phẩm Tốt (Good Food Institute) thông tin thêm, về bản chất, thịt nhân tạo không khác gì thịt truyền thống (hương vị, giá trị) nhưng thay vì phải giết mổ, chúng ta chỉ sử dụng tế bào của chúng.

Liên quan đến khả năng ứng dụng của công nghệ, vào tháng 6/2023 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (US Department of Agriculture, viết tắt USDA) đã chấp thuận sản xuất và kinh doanh thịt gà nuôi cấy từ Công ty Upside Foods và Good Meat. Theo tiến độ, mỗi doanh nghiệp sẽ phân phối cho một nhà hàng đối tác. Nếu thử nghiệm thành công, các chuyên gia nghiên cứu sẽ kết nối đưa chúng vào siêu thị, nhà hàng khác, đồng thời tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều loạt thịt trong tương lai. Cụ thể, Upside Foods sẽ cộng tác cùng Bar Crenn (San Francisco) và Good Meat sẽ làm việc với nhà hàng José Andrés' China Chilcano (thủ đô Washington).

Quyết định của USDA giúp Hoa Kỳ trở thành quốc gia thứ hai hợp pháp hóa thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Được biết, trước đó, vào năm 2020, Singapore là nước đầu tiên cho phép bán thịt nuôi trong phòng thí nghiệm, theo Reuters. Ở Hoa Kỳ, hiện có hơn 150 công ty đang phát triển công nghệ nuôi cấy tương tự với tổng số vốn đầu tư lên đến 896 triệu USD trong năm 2022, theo báo cáo của National Geographic.

Thịt nhân tạo: Tương lai mới cho ngành thực phẩm toàn cầu?

Tế bào thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm (Nguồn: National Geographic)

Tính hữu hiệu của công nghệ trên

Theo ước tính của các chuyên gia, hằng năm, toàn thế giới có khoảng 70 tỷ động vật trên cạn bị giết nhằm mục đích phục vụ cho thực phẩm. Trong số đó, gà chiếm phần lớn với khoảng 300 triệu gia súc/năm. Không chủ thường xuyên là mục tiêu của việc giết mổ, một số loài còn phải sống trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, tù túng ở các trang trại, điển hình có thể kể đến là lợn. Điều này cũng đồng thời kéo theo bài toán ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước. Hiện nay, ngành nông nghiệp chăn nuôi đang chịu trách nhiệm cho 15% phát thải khí nhà kính toàn cầu, National Geographic thông tin.

Khi nhu cầu sử dụng thịt tăng cao nhóm đối tượng chịu thiệt hại nặng nhất không chỉ là động vật. Theo tính toán, mỗi năm, khoảng 67% cây trồng ở Hoa Kỳ không được dùng nuôi sống con người mà để làm thức ăn gia súc. Khi ngành chăn nuôi phát triển, ngành trồng trọt sẽ đối mặt với thách thức về vấn đề cung ứng. Nên nhớ rằng thực vật không chỉ là thực phẩm hay thức ăn mà còn là công cụ cung cấp oxi, điều hòa nhiệt độ, giảm thiểu nóng lên toàn cầu, theo một nghiên cứu về “Nông nghiệp, Lương thực và Biến đổi Khí hậu” (Farming, Food and Climate Change) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Như vậy, nhờ giảm sản xuất thịt truyền thống, kiểm soát chất lượng thức ăn và giảm sử dụng kháng sinh, thịt nuôi cấy về lý thuyết có thể giải quyết nhiều vấn đề kể trên. Đồng thời, nó cũng mang đến tiềm năng bảo vệ nhiều nguồn động vật hoang dã quý, đang có nguy cơ tận diệt như cá ngừ vây xanh.

Nhược điểm của chúng là gì?

Ông Marco Springmann - Nhà khoa học Môi trường tại Đại học Oxford (Vương quốc Anh) cho biết, nguồn năng lượng cần thiết cho quá trình sản xuất thịt nhân tạo đến mức nó có thể gây phát thải carbon (CO2) gấp 5 lần so với thịt thông thường. Bên cạnh đó, một vấn đề khác khiến thực phẩm này vẫn chưa nhận được đón nhận từ những người ăn chay chính là câu hỏi “liệu có nên xem thịt từ phòng thí nghiệm là thực phẩm chay hay không?”, theo CNBC.

Trên thực tế, thịt nhân tạo mặc dù có hương vị và mùi gần như rất khó phân biệt với hàng thật nhưng một số cá nhân từng thử nó vẫn nhận ra và không thật sự yêu thích. Chi phí cũng là rào cản khiến thị nghiệm này vẫn còn rất lâu để có thể áp dụng vào thực tiễn. Một nghiên cứu cho thấy, thịt bò được nuôi cấy có giá đắt gấp 8 lần so với thịt truyền thống.

Kelvin Nguyen

Bình luận