Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?
Bạn đọc

Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?

Thành phố những ngày sau Tết Nguyên Đán, sôi động và hồ hởi đón người dân trở lại nhịp sống tất bật. Tuy nhiên, đâu đó giữa nơi người xe qua lại tấp nập, góc phố thân quen đã vắng bóng người nghệ nhân già mỗi ngày thầm lặng vẽ nên bao khuôn mặt thế gian.

Dạo quanh thành phố những buổi ráng chiều tháng 3, tôi tự hỏi không biết từ bao giờ TP. HCM đã vắng bóng người nghệ sĩ cặm cụi, lầm lũi bên xe hàng sặc sỡ, phó mặc sự đời trước những hỉ, nộ, ái, ố của thế gian? Người tài tử ấy là ông Nguyễn Văn Bảy, nghệ nhân gốc Bình Định từng được nhiều người ái mộ và gọi bằng danh xưng rất đỗi mỹ miều “nghệ sĩ vẽ mặt nạ tuồng” độc đáo tại đất Sài thành.

Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?

Xe hàng mặt nạ của nghệ nhân Nguyễn Văn Bảy trên đường Điện Biên Phủ

Từng có thời điểm, con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trương Định, Điện Biên Phủ trở thành điểm tham quan lí tưởng của tín đồ đam mê nghệ thuật, đặc biệt là những chiếc mặt nạ tuồng. Như một lẽ tất yếu, người đàn ông nước da bánh mật, mái tóc lấm tấm màu mây, thường đạp xe hàng chở những chiếc mặt nạ đủ mọi biểu cảm, sắc thái cũng trở nên gần gũi, thân thuộc với những ai có trái tim rung cảm trước cái đẹp, yêu cái trác tuyệt, chuộng cái tài.

Ông Bảy (59 tuổi) quê tại xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định, miền đất nổi tiếng là cái nôi của nghệ thuật hát bội Việt Nam. Ngay từ nhỏ, ông sớm thể hiện niềm say mê đối với mặt nạ tuồng cổ, cũng như ấn tượng trước loại hình biểu diễn sân khấu kịch nghệ. Đến năm 1992, sau nhiều lần lận đận mưu sinh bằng đủ ngành nghề tại thành phố Hồ Chí Minh, tình yêu hát bội lại thôi thúc ông chuyển sang chế tác mặt nạ và gắn bó với công việc suốt gần 30 năm. Mặt nạ mỗi chiếc giá cả dao động từ 100.000 - 400.000 đồng tùy kích cỡ. Thu nhập tuy không cao nhưng vẫn giúp hai vợ chồng ông duy trì sinh hoạt và nuôi con ăn học tại Quận Tân Phú. Vợ ông Bảy làm công nhân, mỗi ngày cũng thường giúp chồng chế tác, chuẩn bị mặt nạ đem bán.

Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?

Ông Bảy cùng chiếc xe đạp cũ kỹ chở mặt nạ rong ruổi những nẻo đường thành phố

Ban đầu, vì không được đào tạo bài bản và chưa qua bất cứ trường lớp hội họa nào, ông Bảy gặp khó khăn trong việc lựa chọn nguyên liệu và tạo hình khối. Tuy nhiên, bằng sự say mê, cầu tiến, ông đã chọn được nguồn nguyên liệu phù hợp, cũng như tìm ra phương pháp đúc mặt nạ bằng khuôn thạch cao kết hợp silicon. Sau khi giải quyết vấn đề tạo hình, ông tiếp tục mày mò nguyên liệu vẽ, thống nhất, ước lệ từng đường nét. Mỗi nhân vật, khuôn mặt, tính cách đều được ông phác họa bằng nhiều nét chấm phá, thể hiện thông qua màu sắc riêng biệt, đủ bộc lộ những điểm độc đáo và phản ánh đầy đủ cá tính đặc trưng. Minh chứng cho câu nói “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, những chiếc mặt nạ ông vẽ ngày càng trở nên sống động, đạt đến trình độ điêu luyện và được nhiều người yêu thích, mến mộ. Thông thường, người mua hàng là khách nước ngoài, sinh viên từ các trường mỹ thuật hoặc bất cứ ai hiếu kỳ, tò mò câu chuyện đằng sau lớp thạch cao, trong đó có tôi.

Tôi biết ông Bảy vào khoảng cuối năm 2018, thời điểm rạp Cinestar Quốc Thanh khởi chiếu tác phẩm “Song Lang”, bộ phim điện ảnh của đạo diễn Leon Lê cũng lấy đề tài về đời sống cải lương và nghệ thuật biểu diễn tuồng sân khấu. Đó là tác phẩm đặc sắc cả về nội dung lẫn hình thức, chúng tôi vẫn nhớ như in bản thân từng ấn tượng thế nào khi lần đầu được trải nghiệm. Sự hào hứng mãnh liệt đến nỗi chúng tôi đã không thể ngừng bàn luận về nó suốt nhiều ngày liền. Như một cách để lớp trẻ thể hiện tình yêu đối với nghệ thuật cổ truyền dân tộc, tôi từng lang thang khắp nơi tại thành phố này tìm mua cho em chiếc mặt nạ giống nhân vật Linh Phụng, kép hát chính của đoàn cải lương trong phim. Không biết bản thân đã đi qua bao nhiêu con phố, sạp hàng cũ kĩ, thất vọng có, chán chường có để rồi vỡ òa trong vui sướng khi tìm ra người nghệ nhân già thầm lặng giữa đời thường. Tôi nhớ em đã cười như một đứa trẻ và hứa khi phim chiếu lại cả hai sẽ cùng nhau xem. Một lời hứa không bao giờ có thể thực hiện nữa.

Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?

Những chiếc mặt nạ tuồng từng khiến tôi “đắm say” một thời

Quá khứ không phải thứ dễ dàng chối bỏ, nó khiến tôi sợ đi qua lối cũ, ngại chạm mặt những người từng quen. Tôi tin miền kí ức con người là một mạch núi lửa ngầm, có thể nguội lạnh hàng trăm năm dẫu thời gian muốn vùi lấp. Nhưng bất cứ khi nào tiềm thức bị tác động, kí ức lại đẩy mạch cảm xúc phun trào, làm hâm nóng dòng hồi tưởng ngỡ như chỉ vừa tuôn chảy không lâu. Và giờ đây, trong một thoáng lần về kỉ niệm, vẫn biết mắt không thấy lòng sẽ bớt bơ vơ, tôi thầm nhủ rằng “những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?” (trích trong bài thơ Ông đồ - Vũ Đình Liên).

Kha Văn

 

Bình luận