Nhiều công ty Hoa Kỳ bị EU điều tra theo đạo luật DMA
Tin Quốc Tế

Nhiều công ty Hoa Kỳ bị EU điều tra theo đạo luật DMA

Ủy ban châu Âu (European Commission, viết tắt: EC) vừa mở cuộc điều tra đối với Alphabet, Apple và Meta vì cho rằng những doanh nghiệp Hoa Kỳ nêu tên đã không tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (Digital Markets Act, viết tắt: DMA).

Theo định nghĩa từ trang Liên minh châu Âu (European Union), DMA là đạo luật có liên quan đến thị trường kỹ thuật số theo quy định của EU. Mục đích của đạo luật này nhằm giúp cho thị trường kỹ thuật số trở nên công bằng và có tính cạnh tranh hơn. Để đảm bảo điều đó, DMA thiết lập một bộ tiêu chí khách quan để xác định rõ ràng “người gác cổng” (gatekeepers). Đây là nền tảng kỹ thuật số lớn hay còn gọi là dịch vụ nền tảng cốt lõi, tương tự các trang bán hàng, sàn thương mại mà doanh nghiệp có thể tương tác, đăng tải sản phẩm và dịch vụ.

Ví dụ điển hình về các nền tảng này là công cụ tìm kiếm trực tuyến, cửa hàng ứng dụng, dịch vụ nhắn tin,… Trên cơ sở đó, người gác cổng đóng vai trò tương đối quan trọng và cần thủ một số điều cũng như tuyệt đối không làm (cấm) những hạn chế được EU quy định cụ thể trong DMA.

Nhiều công ty Hoa Kỳ bị EU điều tra theo đạo luật DMA

EU mở cuộc điều tra một số doanh nghiệp phía Hoa Kỳ theo đạo luật DMA (Nguồn: European Parliament - European Union)

Những việc nền tảng cốt lõi phải thực hiện gồm: Cho phép bên thứ ba tương tác với các dịch vụ của chính người gác cổng; cho phép người dùng (doanh nghiệp) truy cập vào dữ liệu họ tạo ra khi sử dụng nền tảng; cung cấp cho các công ty quảng cáo công cụ và thông tin cần thiết để quảng bá sau khi người gác cổng đã tiến hành kiểm tra nội dung; cho phép người dùng doanh nghiệp quảng bá ưu đãi của họ và ký kết hợp đồng với khách hàng bên ngoài nền tảng.

Trái lại, người gác cổng sẽ không được phép: Ngăn người tiêu dùng liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài nền tảng của họ; ngăn người dùng gỡ cài đặt bất kỳ phần mềm hoặc ứng dụng nào được cài đặt sẵn nếu họ muốn; theo dõi người dùng bên ngoài dịch vụ nền tảng cốt lõi nhằm mục đích quảng cáo mà không có sự đồng ý; can thiệp vào quá trình xếp hạng các dịch vụ và sản phẩm trên nền tảng.

Từ những cơ sở trên, nguồn tin từ EC đăng tải ngày 25/3 (giờ châu Âu) cho biết, Ủy ban cho rằng phía Alphabet đã không tuân thủ những quy định DMA đặt ra cho doanh nghiệp khi kinh doanh nền tảng trên Google Play cũng như có tác động thiếu công bằng, tạo lợi thế nhất định trong công cụ tìm kiếm. Đối với Apple, EC cáo buộc hãng có hành vi thiếu minh bạch tương tự trên App Store và giao diện tìm kiếm của Safari. Về Meta, đơn vị này dính líu đến những lùm xùm xoay quay những mô hình trả phí (pay) hoặc yêu cầu sự đồng thuận (consent model) từ người dùng.

Cơ quan hành pháp cao nhất Liên minh châu Âu cũng nghi ngờ, những người gác cổng trực tuyến chưa đảm bảo các biện pháp công bằng nhằm ngăn chặn việc tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh. EC đang hoàn thiện các bước thu thập chứng cứ, làm rõ cơ cấu phí của Apple đối với những cửa hàng ứng dụng thay thế, đồng thời cho thấy quyết tâm muốn làm rõ “Amazon Algorithm” - cách thức xếp hạng của Amazon đối với các sản phẩm của Apple trên sàn thương mại điện tử.

Dự kiến, cuộc điều tra và triển khai thủ tục tố tụng sẽ kéo dài trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm thông báo được đưa ra. Khi xác định có vi phạm, Ủy ban có thể áp dụng mức phạt lên tới 10% tổng doanh thu trên toàn thế giới của công ty, đồng thời sẽ nâng lên 20% nếu ghi nhận tái phạm nhiều lần. Trong trường hợp vi phạm có hệ thống, EC có thể áp dụng các biện pháp khắc phục bổ sung như buộc người gác cổng bán một doanh nghiệp hoặc một phần công ty con và cấm người gác cổng mua lại các dịch vụ bổ sung.

Kelvin Huynh

Bình luận