Nghề làm tôm khô Cà Mau được đề nghị công nhận Di sản văn hóa
Ẩm thực

Nghề làm tôm khô Cà Mau được đề nghị công nhận Di sản văn hóa

Chính quyền tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm tôm khô.

Ngày 4/4, Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau thông báo địa phương đã trình hồ sơ khoa học lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm đề nghị công nhận nghề làm tôm khô Cà Mau là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghề làm tôm khô Cà Mau được đề nghị công nhận Di sản văn hóa

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, ông Lê Ngọc Lâm tham quan xưởng sản xuất tôm khô. Ảnh: vnexpress.net

Theo các cao niên lão làng và gia đình làm nghề lâu năm, nghề làm tôm khô ra đời cách đây khoảng 100 năm. Với vị trí địa lý nhiều đất ven biển và sông ngòi chằng chịt, các loài thủy sản đặc biệt là tôm phát triển dồi dào, phong phú. Khi ăn tươi không hết, người dân địa phương đã sáng tạo ra phương pháp phơi khô để lưu trữ ăn dần, về sau bán đi nhiều nơi khác.

Ở Cà Mau, các vùng sản xuất tôm khô nổi tiếng nhất phải kể đến thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), xã Khánh Hội (huyện U Minh) và thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn). Nguyên liệu đầu vào gồm 2 loại là tôm nước ngọt (tôm sông) và tôm nước mặn (tôm biển). Các cơ sở sản xuất tiến hành sơ chế, luộc tôm kết hợp nêm muối theo tỷ lệ riêng. Khi thịt tôm đã rút lại sẽ mang đi phơi thủ công dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy khô bằng máy. Người thợ cần phải canh đến lúc tôm đạt đến độ khô nhất định để tách vỏ bỏ đầu rồi mang đi phân loại, đóng gói. Thành phẩm đạt chuẩn sẽ có màu đỏ hồng đẹp mắt, hương thơm nồng, vị dẻo và ngọt mặn vừa miệng.

Nghề làm tôm khô Cà Mau được đề nghị công nhận Di sản văn hóa

Công nhân tại xưởng đang tiến hành sàng lọc thủ công nhằm cho ra sản phẩm chất lượng đạt chuẩn nhất. Ảnh: baocamau.com.vn

Hiện nay nghề làm tôm khô được phát triển bởi người dân trong vùng và được sản xuất bằng đa dạng hình thức từ nuôi thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến,... tại vùng nuôi tôm có tổng diện tích khoảng 266.000 ha. Nghề làm tôm khô đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần giúp họ ổn định đời sống cũng như cung cấp đến thị trường một loại đặc sản vùng miền đặc trưng với sản lượng hàng chục tấn mỗi năm. Năm 2011, sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể.

Tôm khô là món ăn quen thuộc đối với người Việt và có tính ứng dụng cao trong các món ăn hàng ngày. Hơn nữa, sản phẩm còn thường xuất hiện trên các mâm cơm ngày lễ, Tết như món tôm khô dưa kiệu hoặc dưa cải chua đã trở thành một nét đẹp ẩm thực đặc trưng của vùng đồng bằng Nam Bộ.

Chính quyền địa phương đang thực hiện kế hoạch phát triển nghề làm tôm khô thành làng nghề truyền thống kết hợp quảng bá thương hiệu tôm khô Cà Mau đến rộng rãi trong và ngoài nước. Người dân cùng các cấp chính quyền đã và đang nỗ lực hết mình để bảo tồn, phát triển nghề, từ đó thúc đẩy quảng bá nét đẹp ẩm thực vùng miền cũng như giá trị văn hóa - du lịch địa phương.

Mai Ngoc

Bình luận