Kinh tế Hoa Kỳ: Tăng trưởng “nóng” có thể gây áp lực lạm phát và giảm lợi nhuận
Tin Hoa Kỳ

Kinh tế Hoa Kỳ: Tăng trưởng “nóng” có thể gây áp lực lạm phát và giảm lợi nhuận

(TAP) - Đó là nhận định của bà Lisa Shalett - Giám đốc đầu tư và Quản lý tài sản thuộc Ngân hàng Morgan Stanley (doanh nghiệp chứng khoán có trụ sở chính tại Hoa Kỳ) về cơ hội cũng như thách thức trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.,

Dựa vào kết quả khảo sát của Ngân hàng Morgan Stanley đăng tải ngày 10/4 (giờ địa phương), trải qua khoảng thời gian tương đối “hỗn loạn” đầu năm 2024, dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế quốc gia đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với dự đoán của các chuyên gia.

Trong đó, ghi nhận tổng thu nhập quốc nội (Gross domestic income, viết tắt: GDI) - đại diện cho lợi nhuận doanh nghiệp đã tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn nhiều so với mức tăng 1,9% ảm đạm trong quý III/2023. Chi tiêu cá nhân được điều chỉnh lên mức 3,3% hàng năm.

Cuộc khảo sát sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng (Institute for Supply Management) vào tháng 3/2024 cũng cho thấy sự mở rộng lần đầu tiên của Hoa Kỳ vào lĩnh vực này kể từ tháng 10/2022. Khi nhu cầu lao động tăng cao, như một lẽ tất yếu, các nhà tuyển dụng đã bổ sung thêm 303.000 việc làm theo mùa (thời vụ) trong tháng 3 - con số được cho đã vượt mức kỳ vọng ban đầu: 214.000 trường hợp.

Đối với lĩnh vực đầu tư chứng khoán, S&P 500 - chỉ số đại diện cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ vừa hoàn tất một khởi đầu đáng mong đợi khi tăng hơn 10% trong quý I/2024. Điều này khiến các nhà đầu tư bước đầu lạc quan về viễn cảnh tăng trưởng kinh tế và lạm phát hạ nhiệt, đồng thời lợi nhuận doanh nghiệp cũng như cổ phiếu cũng tăng cao hơn.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bà Lisa Shalett cho rằng, nền kinh tế nóng (hot economy bolsters) chưa hẳn là tín hiệu tốt. Xem xét tổng thể, chỉ số giá ISM mà các nhà sản xuất phải trả trong tháng 3 đã tăng lên 55,8%, mức cao nhất kể từ tháng 7/2022. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (producer price index) và giá hàng hóa cũng tăng. Đây đều là những dấu hiệu cho thấy các công ty đang phải chịu nhiều chi phí hơn, làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp, ngay cả khi chính sách tiền tệ thắt chặt có thể làm giảm nhu cầu từ thị trường

Chỉ số Sản xuất (Manufacturing Index) ISM, trước đây gọi là Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (Purchasing Managers Index, viết tắt: PMI) là những dữ liệu khảo sát hoạt động sản xuất do Viện Quản lý Cung ứng thực hiện hàng tháng với các nhà quản lý mua hàng từ hơn 300 công ty, theo định nghĩa từ Clear Tax.

Kinh tế Hoa Kỳ: Tăng trưởng “nóng” có thể gây áp lực lạm phát và giảm lợi nhuận

Chuyên gia đánh giá kinh tế tăng trưởng “nóng” có thể gây áp lực lạm phát và giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp

Bên cạnh đó, theo Giám đốc đầu tư và Quản lý tài sản Ngân hàng Morgan Stanley, nền kinh tế nóng hơn dự kiến có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System, viết tắt: Fed) xem xét lại kế hoạch cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024. Nếu chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed bị trì hoãn hoặc lãi suất giảm ít hơn dự kiến, môi trường lãi suất dài hơn có thể gây ra nhiều rủi ro cho các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Chẳng hạn, nó có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp, đồng thời gây áp lực lên các lĩnh vực vốn dễ bị tổn thương như: Bất động sản, thương mại và ngân hàng khu vực. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp thua lỗ đang được hỗ trợ bởi quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như việc Kho bạc quốc gia đang phải tài trợ cho nhiều khoản kỷ lục.

“Tăng trưởng kinh tế là tốt nhưng sự tự mãn (complacency) của thị trường xung quanh những tác động của nó thì không. Các nhà đầu tư nên thận trọng và tích cực quản lý khả năng gặp phải những rủi ro như vậy,” bà Lisa Shalett cảnh báo. Trên cơ sở đó, đại diện Ngân hàng Morgan Stanley khuyên người dùng có thể xem xét đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu (các khoản đầu tư có đảm bảo) trung hạn hoặc các quỹ phòng hộ sử dụng đòn bẩy là vốn cổ phần.

Kane

Bình luận