Cây hoa tử đằng 300 tuổi ở Nhật Bản
Văn hóa

Cây hoa tử đằng 300 tuổi ở Nhật Bản

Nếu có dịp ghé thăm đền Kumano thuộc tỉnh Fukuoka, Nhật Bản, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng cây hoa tử đằng khổng lồ có tuổi đời lên đến 300 năm tuổi với những tán hoa nở rộ, tạo thành một đường hầm cổ tích ngập tràn trong sắc tím tuyệt đẹp.

Theo thông tin từ fanpage Cảm nhận Nhật Bản thuộc Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO), bắt đầu từ giữa tháng 4, cây hoa tử đằng có tên gọi “Nakayama no Ofuji” ở đền Kumano, tỉnh Fukuoka bắt đầu nở hoa. Khi đến thăm đền, du khách sẽ choáng ngợp trước sự “đồ sộ” của cây khi tán cây vươn rộng, bao trùm lên hệ thống giàn sắt có diện tích lên đến 1,700 mét vuông. Từ giàn sắt, những nhánh hoa mọc đổ xuống, vài nhánh dài hơn một mét tạo thành tấm rèm hoa tím khổng lồ, khiến người ta ngỡ như đang lạc chân vào chốn thần tiên. Nhiều người còn nhận xét nơi đây mang “vẻ đẹp điên rồ” và “khó có thể tin được”.

Cây hoa tử đằng 300 tuổi ở Nhật Bản

Cây hoa tử đằng Nakayama no Ofuji 300 năm tuổi hiện vẫn trổ bông mỗi khi xuân về. Ảnh: Fanpage Cảm nhận Nhật Bản.

Với danh hiệu Di tích Tự nhiên Quốc gia của Nhật Bản, hằng năm, cây hoa tử đằng Nakayama no Ofuji thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan đổ về để thưởng ngoạn và chụp hình lưu niệm cùng “đường hầm cổ tích” này. Ngoài ra, du khách còn có dịp tham gia lễ hội hoa tử đằng với các hoạt động giao lưu văn hóa, ẩm thực,... phong phú và chiêm ngưỡng khung cảnh vườn hoa vào ban đêm khi sắc tím của hoa hòa cùng ánh đèn lung linh, huyền ảo.

Cây hoa tử đằng 300 tuổi ở Nhật Bản

Cây hoa tử đằng 300 tuổi ở Nhật Bản

Nhìn từ xa, những nhánh hoa rũ xuống như thác đổ tạo nên một khung cảnh thần tiên và thơ mộng. Ảnh: Ảnh: Fanpage Cảm nhận Nhật Bản.

Hoa tử đằng là một loài hoa được người Nhật ưa chuộng từ thời Nara (710-794 sau Công nguyên). Ngoài màu tím chủ đạo, sắc hoa còn đa dạng từ trắng, hồng, đỏ nhạt và xanh lam. Cây hoa tử đằng có hương thơm ngọt ngào và sức sống mãnh liệt, do đó nó có thể tồn tại qua hàng trăm năm và trổ bông vào mùa xuân. Ngày nay, hoa được chiết xuất làm tinh dầu nước hoa, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm,... nhưng cần lưu ý ngoài hoa, tuyệt đối không sử dụng phần nào khác của cây do có chứa độc tính gây hại cho cơ thể và sức khỏe con người.

Laura Ann

Bình luận