Hoa Kỳ khởi xướng điều tra ngành hàng hải, hậu cần và đóng tàu Trung Quốc
Tin Quốc Tế

Hoa Kỳ khởi xướng điều tra ngành hàng hải, hậu cần và đóng tàu Trung Quốc

(TAP) - Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (United States Trade Representative, viết tắt: USTR) vừa bắt đầu cuộc điều tra về các hành vi, chính sách thực tiễn và động thái giành lợi thế từ phía Bắc Kinh trong lĩnh vực hàng hải, hậu cần và đóng tàu.

Hoa Kỳ khởi xướng điều tra ngành hàng hải, hậu cần và đóng tàu Trung Quốc

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ tuyên bố khởi xướng điều tra về việc Trung Quốc tác động đến ngành hàng hải, hậu cần và đóng tàu (Nguồn: United States Trade Representative)

Nguồn tin USTR đăng tải ngày 17/4 (giờ địa phương) cho biết, cuộc điều tra được khởi xướng sau khi cơ quan này tiếp nhận đơn kiến nghị ngày 12/3/2024 của 05 liên đoàn lao động quốc gia, cáo buộc chính quyền Trung Quốc: Có các chính sách thiếu công bằng, phi thị trường nhằm thống trị lĩnh vực hàng hải, hậu cần và đóng tàu. Những liên đoàn, đơn vị sự nghiệp nộp đơn lên USTR, bao gồm:

Liên minh Quốc tế về Thép, Giấy và Lâm nghiệp, Cao su, Sản xuất, Năng lượng (United Steel, Paper and Forestry, Rubber, Manufacturing, Energy), Liên minh Công nhân Công nghiệp và Dịch vụ Đồng minh (Allied Industrial and Service Workers International Union) và Công đoàn Công nhân thép thống nhất (United Steelworkers) thuộc AFL-CIO (một liên đoàn được quản lý dân chủ, gồm 60 công đoàn); Hiệp hội thợ máy và công nhân hàng không vũ trụ quốc tế (International Association of Machinists and Aerospace Workers); Hiệp hội quốc tế các nhà sản xuất nồi hơi, thợ đóng tàu sắt, thợ rèn, thợ rèn và người giúp việc (International Brotherhood of Boilermakers, Iron Ship Builders, Blacksmiths, Forgers and Helpers); Hội Anh em Công nhân Điện Quốc tế (International Brotherhood of Electrical Workers) và Cục Thương mại Hàng hải (Maritime Trades Departmen).

Cơ sở điều tra của USTR dựa trên Mục 301 (Section 301) của Đạo luật Thương mại năm 1974 (Trade Act of 1974) đã được sửa đổi. Đây là đạo luật được thiết kế để giải quyết các hành vi không công bằng của nước ngoài có ảnh hưởng đến ngành thương mại ở Hoa Kỳ. Mục 301 được sử dụng để ứng phó với các hành vi không chính đáng, vô lý hoặc mang tính phân biệt đối xử. Các điều khoản trong Mục 301 của luật này cho phép những người quan tâm có thể kiến nghị với USTR về một hành động, chính sách hoặc thông lệ (được cho là có tác động bất lợi) từ chính phủ nước ngoài để Đại diện Thương mại Hoa Kỳ thực hiện hành động ứng phó thích hợp.

Theo đó, phía chính quyền Bắc Kinh đã được USTR gửi đến thông báo, yêu cầu bình luận và gửi ý kiến, bao gồm phản hồi về phiên điều trần dự kiến diễn ra vào ngày 5/6 tới đây. Các đơn vị có liên quan cũng có thể nộp đơn về trước ngày 22/5 để yêu cầu xuất hiện tại phiên điều trần.

Trước động thái điều tra của Washington, D.C, phía Bắc Kinh gần như lập tức có tuyên bố phản hồi và bày tỏ quan điểm về vụ việc. Cũng trong ngày 17/4 (giờ châu Á), Bộ Thương mại (Ministry of Commerce) Trung Quốc cho rằng, kiến nghị từ các liên đoàn phía Hoa Kỳ chứa cáo buộc sai trái (phi thị trường); hiểu không đúng hoạt động thương mại và đầu tư thông thường của Bắc Kinh; đổ lỗi cho Trung Quốc có tác động đến hoạt động công nghiệp, thương mại và là nguyên nhân gây nên các vấn đề đối với ngành đóng tàu ở Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ khởi xướng điều tra ngành hàng hải, hậu cần và đóng tàu Trung Quốc

Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ quan điểm về vụ việc (Nguồn: Ministry of Commerce of China)

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng nhắc lại việc Chính phủ Hoa Kỳ trước đây từng tiến hành cuộc điều tra theo Mục 301 và áp đặt thuế quan bổ sung đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này bị Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization, viết tắt: WTO) phán quyết là vi phạm quy định của WTO. Đồng thời, Bộ Thương mại cho biết sẽ theo dõi sát sao tiến trình điều tra và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia.

Kelvin Huynh

Bình luận